BÀI TUYÊN TRUYỀN AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
An toàn giao thông (ATGT) hiện nay là một trong những vấn đề rất nhức nhối, được cả xã hội quan tâm. Tai nạn do giao thông gây ra là rất lớn, làm thiệt hại đến tiền của của gia đình, xã hội gây cho con người cuộc sống khó khăn, vất vả cơ cực. Đi khắp các nẻo đường chúng ta đều thấy khẩu hiệu “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời cảnh tỉnh và nhắc nhở với những người đang tham gia giao thông, hãy biết chấp hành đúng các luật giao thông để đem lại an toàn cho chính mình và hạnh phúc cho gia đình, cho xã hội.
Bám sát nội dung Kế hoạch số 25/KH-BGDĐT ngày 10/01/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thực hiện Kế hoạch Số 55/KH-PGDĐT thị xã Mỹ Hào ngày 25/01/2024 về triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông trong trường học năm 2024 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Ngay trong môi trường học đường, vấn đề ATGT cũng được chú trọng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh về việc chấp hành luật lệ ATGT. Như các bạn đã biết, chỉ một sơ xuất nhỏ, chỉ một phút giây bất cẩn thôi, tai nạn giao thông sẽ gây ra đau thương mất mát cho bản thân, gia đình và xã hội. Từng ngày, từng giờ, tai nạn giao thông vẫn đang cướp đi sinh mạng của biết bao người, gây thương tích, tàn phế và đem đến nỗi đau tinh thần không gì bù đắp được cho những người thân của họ.
1. Đối với những em đi bộ đến trường:
Tuyệt đối chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ dành cho người đi bộ.
Khi đi ở đường phố, đường làng, ngõ xóm, các em cần phải đi vào lề đường bên phải, đi trên vỉa hè dành cho người đi bộ.
Khi tham gia giao thông tại các tuyến đường quốc lộ, đường phố phải tuân theo sự hướng dẫn của tín hiệu đèn giao thông và cấn phải có người lớn đi cùng.
Khi trời mưa to, tuyệt đối không được đi một mình, tránh đi vào khu vực ngập nước, mà chọn phần đường khô ráo để đi. Hạn chế tối đa việc đi lại khi trời đang mưa to, …
2. Đối với những em đi bằng xe đạp đến trường:
Phải tuân thủ đúng luật giao thông, đúng quy định dành cho người đi xe đạp khi tham gia giao thông.
Đi đúng phần đường quy định, đi về phía bên tay phải, không được đi hàng ngang, không đánh võng, không cười đùa, không được buông thả cả hai tay khi đang điều khiển xe.
Không đèo quá một người, tức là chỉ được đi tối đa hai người trên một xe đạp. Khi đến các con đường có dốc cao, không được ngồi trên xe để lên dốc hoặc lao xuống dốc mà phải xuống xe dắt bộ cho tới hết đoạn dốc mới được lên xe để tiếp tục đi.
Khi muốn rẽ sang đường, phải phanh giảm tốc độ, quan sát kĩ trước sau, khi thấy đảm bảo an toàn mới được rẽ sang.
Không được đi xe đạp trên sân trường, phải sắp xếp xe ngay ngắn, đúng quy định tại lán xe, ...
3. Đối với những em được bố mẹ đưa đến trường bằng xe máy, xe đạp điện:
Phải thực hiện đúng luật giao thông dành cho người đi xe máy, xe đạp điện. Cả người điều khiển và người ngồi sau xe máy, xe đạp điện đều phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, có cài quai đúng quy cách. Người điều khiển xe máy không được uống rượu bia trước khi tham gia giao thông. Nên đi với vận tốc bình thường là 40 km/giờ, không phóng nhanh vượt ẩu, đánh võng, luồn lách. Các em nhớ nhắc bố mẹ dừng xe ở ngoài cổng, không được đi xe vào trong sân trường, ...
Tất cả các nguyên nhân gây ra tai nạn, đều bắt nguồn từ ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông. Nếu như ai cũng biết tuân thủ luật lệ giao thông, biết nghĩ đến sự an toàn cho những người lưu thông, thì sẽ chẳng có những điều thương tâm và đáng tiếc xảy ra.
Để hưởng ứng một cách có hiệu quả, các bậc cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên cùng các em học sinh hãy thực hiện tốt khẩu hiệu “Ba có, bốn không” như sau:
* Khẩu hiệu “Ba có”:
1. Có hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông đường bộ. Người đi bộ: Phải đi trên hè phố, lề đường, đi sát mép đường; Chỉ qua đường ở những nơi có tín hiệu vạch kẻ đường và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
2. Có ý thức trách nhiệm cao đối với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông. Phải đảm bảo an toàn cho mình và những người khác. Hợp tác, giúp đỡ người bị nạn khi xảy ra tai nạn giao thông.
3. Có hành vi ứng xử hợp lý và đúng mực, có tình người trong các tình huống xảy ra trên đường, cư xử có văn hóa như: tham gia giao thông từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi khi có va quệt.
* Khẩu hiệu “Bốn không”:
1. Không uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, điều khiển phương tiện chưa đủ giấy tờ quy định.
2. Không lấn chiếm: Lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ ATGT.
3. Không có thói hư, tật xấu trong ứng xử với mọi người cùng tham gia giao thông cũng như khi xảy ra tai nạn giao thông.
4. Không để xảy ra tai nạn giao thông khi tham gia giao thông.
Các bậc phụ huynh học sinh, cán bộ, giáo viên, học sinh hãy gương mẫu, nhiệt tình thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ là đã góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn. Cuộc sống của chúng ta ở phía trước có rất nhiều điều tốt đẹp, tương lai đang rộng mở và chờ đón chúng ta. Chúng ta hãy là người biết sống văn minh, lịch sự và xây dựng xã hội tốt đẹp! Và thông điệp của bài viết này là: “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà!”