A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC, TỰ GIÁC HỌC TẬP CỦA HỌC SINH?

Giáo dục Tiểu học là bậc học mang tính chất nền móng để các em học tiếp cận các bậc học cao hơn. Với nhu cầu phát triển của xã hội hiện nay, đòi hỏi ngành giáo dục phải đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức dạy học để tạo ra những thế hệ con người nhận thức sâu sắc, biết tự giác chủ động sáng tạo trong công việc.

Nhìn lại việc học của một bộ phận học sinh hiện nay, chúng ta thấy nhận thức của các em còn nhiều hạn chế, ý thức tự học, tự rèn luyện rất ít, điều kiện học tập của học sinh trong một số gia đình còn nhiều thiếu thốn. Các em chưa xác định được tầm quan trọng của việc tự học nên chưa chủ động, tự giác, không ham học.

Vậy làm thế nào để phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác của học sinh trong học tập?

Đây là một vấn đề cần phải thực hiện nhanh và đúng cách để những thế hệ do chúng ta đào tạo là những người làm chủ tương lai, đất nước, biết xây dựng quê hương và đưa trình độ hiểu biết của toàn dân đi lên sánh được với các nước phát triển trên thế giới. Việc phát huy tính tích cực, tự giác học tập của học sinh đóng vai trò quan trọng trong quá trình dạy học. Trong tình trạng hiện nay, việc dạy học lấy học sinh làm trung tâm đòi hỏi ở người học yêu cầu cao là phải tích cực, độc lập, tự giác.

Đổi mới các phương pháp dạy học (PPDH) sẽ giúp các em học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trước đám đông, biết cách tự đánh giá việc học của mình cũng như biết đánh giá kết quả học tập của các bạn khác. Từ đó các em có tính chủ động hơn trong học tập và biết phấn đấu thi đua nhau để việc học có kết quả cao hơn.

Để kích thích tính tự giác, tích cực, độc lập của học sinh và tạo hứng thú học tập cho học sinh thì đòi hỏi ở người giáo viên rất nhiều điều. Trước hết đòi hỏi người giáo viên phải có tay nghề vững vàng, phải biết yêu nghề, mến trẻ tức là phải có năng lực sư phạm.

          Ngoài ra, giáo viên muốn phát huy tính tích cực, tự giác, độc lập của học sinh thì cần phải biết lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức thích hợp. Hiện nay, trong quá trình dạy học, giáo viên đã sử dụng linh hoạt các phương pháp để phát huy tính tích cực, tự giác, độc lập của học sinh trong học tập, cụ thể là:

          - Phương pháp thuyết minh.            - Phương pháp trò chơi học tập.

          - Phương pháp đàm thoại.               - Phương pháp quan sát.

          - Phương pháp thảo luận.                - Phương pháp thí nghiệm.

          - Phương pháp hỏi đáp.                   - Phương pháp nêu vấn đề.

          - Phương pháp tìm tòi.                    - Phương pháp giải quyết vấn đề.

          - Phương pháp kể chuyện.              - Phương pháp khảo sát điều tra.

          - Phương pháp động não.                - Phương pháp thực hành luyện tập.

          - Phương pháp đóng vai.                 - Phương pháp lập luận đề án.

          Việc đổi mới PPDH tất yếu phải đổi mới hình thức tổ chức dạy học để tạo một sự tương ứng cần thiết. Sự đa dạng của phương pháp dạy học trong sự phối hợp của chúng, đòi hỏi phải có một số hình thức tổ chức dạy học thích hợp. Mỗi hình thức tổ chức dạy học đều có tác dụng tích cực phát triển học sinh một khía cạnh nào đó. Vì vậy, chúng ta cần phải biết kết hợp nhiều hình thức tổ chức để phát huy thế mạnh của mỗi hình thức tổ chức dạy học. Phương pháp dạy học mới, đòi hỏi phải có hình thức tổ chức dạy học tạo cơ hội cho học sinh suy nghĩ làm việc, trao đổi thảo luận với nhau nhiều hơn, cụ thể:

          * Dạy học cá nhân: Là chú ý phát triển năng lực riêng của từng học sinh. Đồng thời rèn cho các em có thói quen tự học, tự làm việc, hình thức dạy học cá nhân rất đa dạng, có thể làm việc với phiếu học tập, ngoài ra còn có một số hình thức khác như: Làm bài tập trong sách, làm các trò chơi, tiến hành các thí nghiệm, sự thể hiện tài năng, các hoạt động độc lập như: Sưu tầm tranh ảnh, thu tập tài liệu, khảo sát thực tế nơi mình ở.

           * Dạy học theo nhóm: Tác dụng của việc dạy học theo nhóm là đề cao vai trò tự hợp tác trách nhiệm cá nhân với tập thể. Đồng thời dạy học theo nhóm rèn luyện cho học sinh những kĩ năng: Biết lắng nghe lựa chọn, tiếp nhận ý kiến của người khác để bổ sung vào sự hiểu biết của mình, đồng thời học sinh biết trình bày ý kiến của mình cho bạn nghe và học được công tác tổ chức, điều khiển.

          Dạy học theo nhóm có nhiều hình thức khác nhau:

- Thảo luận về một vấn đề học tập.

          - Tìm hiểu, điều tra về một vấn đề thực tế, hay trao đổi xung quanh một đề tài.

          - Ôn tập tổng kết sau một bài hay một chương.

          - Thực hiện một bài tập hay một nhiệm vụ học tập.

          - Tiến hành một thí nghiệm hay một trò chơi học tập.

          - Xây dựng một phương án hay một kế hoạch.

          * Dạy học theo lớp: Là một hình thức dạy học cơ bản, khá phổ biến trong dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Trong dạy học lấy học sinh làm trung tâm, để xuất hiện nhiều hình thức dạy học phù hợp với các PPDH đề cao vai trò hoạt động nhận thức của học sinh. Dạy học theo lớp tuy có nhiều tác dụng tích cực, nhưng không diễn ra suốt buổi học mà chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, vào những lúc thích hợp của tiết học như vào đầu, giữa và cuối tiết học.

          * Dạy học ngoài trời: Có nhiều nội dung gần gũi, gắn với môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh. Những bài học đó nếu có điều kiện nên tổ chức cho học sinh học ngoài trời những địa điểm thích hợp như vườn trường, sân trường hoặc những địa điểm gần trường. Vì việc học ngoài trời giúp học sinh có biểu tượng rõ nét, cụ thể về sự vật, hiện tượng nên nắm bài tốt hơn vì mắt thấy, tai nghe…Đồng thời rèn luyện kĩ năng quan sát, phát triển tư duy cụ thể. Mặt khác bồi dưỡng tình cảm đối với thiên nhiên, thói quen hợp tác, học hỏi lẫn nhau.

          * Tham quan: Tham quan là một hình thức để học sinh được học ngoài hiện trường, thực tế như tham quan các xí nghiệp, đồng ruộng, khu chăn nuôi, nhà bảo tàng, khu di tích lịch sử, văn hoá hoặc rừng, sông, hồ, thác nước…

          Tham quan có tác dụng nhiều mặt đối với sự phát triển của học sinh. Học sinh có điều kiện trực tiếp trong thực tế với các nội dung đã được học trong lớp nên lĩnh hội kiến thức dễ hơn, chắc hơn, nhớ kĩ hơn. Liên hệ thực tế với bài học giúp HS phát triển kĩ năng quan sát, so sánh, óc tò mò, trí tưởng tượng, bồi dưỡng hứng thú học tập, tăng cường sự hiểu biết.

          * Trò chơi học tập: Đây là một loại hoạt động không thể thiếu được trong mọi lứa tuổi. Trò chơi giúp các em phát triển. Vì vậy tổ chức trò chơi chú ý những đặc tính: Vui - Khoẻ - An toàn - Có ích; trong đó bao gồm cả giải trí, thư giãn, … được xem là một yếu tố cơ bản của trò chơi.

Tóm lại: Đổi mới PPDH cũng như đổi mới hình thức tổ chức dạy học, mục đích chính là nhằm vào đối tượng học sinh, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác của học sinh trong học tập, tập trung vào các vấn đề sau:

          - Dạy học hướng tập trung vào học sinh: Phương pháp này làm cho học sinh chủ động, tích cực, sáng tạo và linh hoạt trong học tập.

          - Dạy học nêu vấn đề: Là sự tổ chức quá trình dạy học bao gồm việc tạo ra tình huống có vấn đề trong giờ học, kích thích ở học sinh nhu cầu giải quyết vấn đề nảy sinh, lôi cuốn các em vào hoạt động nhận thức tự lực nhằm nắm vững kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo mới, phát triển tính tích cực trí tuệ và hình thành cho các em năng lực tự mình thông hiểu và lĩnh hội thông tin khoa học mới.

          - Tăng cường tính tích cực, tư duy của học sinh khi giáo viên trình bày kiến thức bằng lời; phương pháp này sẽ củng cố hứng thú học tập của học sinh, nâng cao tính ham hiểu biết và tò mò trong quá trình thông hiểu các vấn đề nghiên cứu.

          - Lời nói sinh động của giáo viên kết hợp với tính trực quan có hiệu quả to lớn trong việc dạy học. Việc dạy học trực quan không những làm cho quá trình học tập thêm sinh động mà nó còn góp phần rèn luyện tư duy phân tích, tập cho các em nhìn thấy bản chất của các đối tượng ẩn sau các hình thức và những biểu hiện bề ngoài, kích thích ham hiểu biết của học sinh.

          - Cải tiến công tác tự học. Công tác tự học giữ vai trò lớn lao trong việc nâng cao tính tích cực hoạt động trí tuệ của học sinh khi thông hiểu và tiếp thu kiến thức mới, không phải vô cớ mà trong giáo dục học coi trọng sự nghiên cứu của cơ sở lí luận dạy học của việc tổ chức công tác tự học của học sinh.

          - Ngoài các nội dung trên, thái độ ngôn ngữ truyền đạt, tình cảm quan hệ giữa giáo viên và học sinh cũng giữ vai trò hết sức quan trọng. Do đó đòi hỏi người giáo viên phải là người mẫu mực, là tấm gương, là thần tượng của các em.

          Để phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác của học sinh trong học tập có hiệu quả chúng ta cần chú ý những vấn đề sau:

          a) Đối với việc học ở nhà:

Tạo cho học sinh thói quen lập thời gian biểu học ở nhà, ghi rõ từng công việc cụ thể, gắn liền với thời gian thực hiện cụ thể.

          - Tổ chức họp phụ huynh từng kì để trao đổi vấn đề học tập của các em cho phụ huynh biết rõ đồng thời thông qua hội cha mẹ học sinh, kết hợp với cha mẹ học sinh để thăm dò quản lí việc học tập của các em.

          - Thường xuyên đến thăm gia đình học sinh, đặc biệt là những em cá biệt, những em yếu kém để phối hợp giáo dục có hiệu quả, phải có thông tin thường xuyên giữa gia đình và giáo viên chủ nhiệm.

           - Phát huy các phong trào học theo nhóm nhỏ-nếu có điều kiện (những em nhà ở gần nhau).

          b) Đối với việc học ở lớp:

         - Khuyến khích học sinh mượn tại thư viện của nhà trường: Sách, đồ dùng học tập cho những học sinh còn thiếu.

          - Duy trì nề nếp kiểm tra, chữa bài tập thường xuyên với hình thức giáo viên hoặc cán sự lớp theo dõi kiểm tra.

        - Kiểm tra thường xuyên về tinh thần, ý thức chuẩn bị ĐDHT của các em thông qua tổ trưởng, lớp trưởng.

          - Có hình thức nhắc nhở, khen thưởng cụ thể, kịp thời và hợp lí. Động viên, khuyến khích kịp thời những em chăm học và nhắc nhở những em lười học và không chú ý trong giờ học.

          - Hệ thống câu hỏi kiểm tra ngắn gọn, sát nội dung bài học và phù hợp với đối tượng học sinh để học sinh nắm bài được tốt.

          - Thường xuyên tổ chức cho học sinh hoạt động và thảo luận theo nhóm, tổ chức trò chơi hoặc sắm vai tuỳ theo môn học, bài học.

          - Tạo hứng thú cho học sinh bằng cách nêu gương và thi đua giữa các tổ, nhóm hoặc giữa các cá nhân…

          - Thay đổi phương pháp dạy học theo hướng tích cực cụ thể từng môn.

          Dạy học vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật. Muốn dạy học có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đào tạo hiện nay của Đảng và Nhà nước, đặt trên vai những người thầy một trách nhiệm nặng nề. Đòi hỏi ở người giáo viên phải có trình độ sư phạm vững, hiểu sâu sắc từng đối tượng học sinh để chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp nhằm phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng, vốn kinh nghiệm vốn có của học sinh. Đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo, cải tiến phương pháp để nâng cao hiệu quả giảng dạy, “tất cả vì học sinh thân yêu”./.


Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết