BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH VÀO MÙA LẠNH
Trong mấy ngày nay, tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, người lao động, nhất là những người có nguy cơ cao như người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, hen suyễn, tim mạch, cơ xương khớp, người lao động làm việc ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, rét đậm, rét hại có thể còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới. Rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập của các em học sinh, nhất là học sinh bậc học mầm non và tiểu học.
Căn cứ hướng dẫn Công văn số 161/SGDĐT-VP ngày 22/01/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên và Công văn số 46/CV-PGD&ĐT Mỹ Hào ngày 23/01/2024 về việc phòng, chống rét cho học sinh, các đơn vị, trường học chủ động điều chỉnh giờ học hoặc cho học sinh nghỉ học. Cụ thể: Học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10°C, học sinh THCS nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 7°C, … Để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh đến lớp, các trường học trên địa bàn thị xã triển khai nhiều biện pháp ứng phó, sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị,... đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Ban công tác Y tế trường Tiểu học Dị Sử xin gửi tới các bậc cha mẹ học sinh, các em học sinh và toàn thể nhân dân một số thông tin tham khảo hữu ích để tuyên truyền chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh vào mùa đông.
Theo các chuyên gia, mùa đông là thời điểm chúng ta dễ mắc bệnh nhất trong năm bởi những tác động khắc nghiệt như gió rét, trời lạnh, thiếu năng lượng mặt trời. Đặc biệt vào thời điểm đầu mùa, sự sụt giảm đột ngột về nhiệt độ là tác nhân đe dọa trực tiếp đến sức đề kháng, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh ở người. Trong thời tiết se lạnh, những virus gây cảm lạnh ở người sinh trưởng và phát triển tốt hơn, đồng thời cũng dễ lây lan hơn. Trong khi đó, hệ miễn dịch cơ thể trong mùa đông lại có xu hướng sản xuất ít hơn lượng bạch cầu bảo vệ sức khỏe. Đó chính là lý do khiến cơ thể thêm nhạy cảm và dễ nhiễm bệnh. Vào mùa lạnh rất dễ mắc các bệnh như: cúm A, cúm B, thậm chí cũng có thể là sốt do chủng cúm A/H1N1 mặc dù hiếm gặp. Bên cạnh đó, bệnh do các chủng virus khác như sởi, rubella, quai bị, thủy đậu, sốt xuất huyết,... cũng là các bệnh thường xuất hiện và diễn biến phức tạp trong mùa đông - xuân những năm gần đây. Đặc biệt, với trẻ em, người già, phụ nữ có thai và những đối tượng sức đề kháng yếu sẽ dễ mắc bệnh hơn.
Cũng theo các bác sĩ, triệu chứng các bệnh mùa đông gây nên bởi virus thường khá giống nhau nên rất khó phân biệt. Những triệu chứng thường bị “mặc định” là cúm gồm ho, sốt, hắt hơi, đau họng, đau cơ, mệt mỏi,... Nguy hiểm hơn, chúng cũng rất dễ gây nhầm tưởng thành bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành trong thời gian gần đây. Vì vậy, các bậc cha mẹ học sinh và các em học sinh cần phát hiện sớm khi có dấu hiệu nhiễm bệnh để chủ động điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe.
Biện pháp phòng bệnh mùa lạnh hiệu quả:
Để chủ động bảo vệ sức khỏe trong mùa đông lạnh giá, giới chuyên gia khuyến cáo người dân nên lưu ý thực hiện một số biện pháp sau:
1. Giữ ấm cơ thể thật tốt trong thời tiết chuyển lạnh, đặc biệt là các vùng cơ thể nhạy cảm như tai, cổ, ngực, tay chân, vùng bụng,... ; với trẻ em cần ủ ấm cẩn thận trước khi cho ra ngoài trời.
2. Phòng tránh lây nhiễm chéo nơi công cộng bằng cách thường xuyên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Tuyệt đối tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu mắc bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, thủy đậu, ho gà, sởi, rubella,...
3. Cần ăn, uống đủ chất đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét (Giữ ấm từ bên trong bằng dinh dưỡng). Rèn luyện thói quen ăn chín, uống sôi. Trong bữa ăn hàng ngày cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản như tinh bột (cơm, gạo, lúa mì,...), chất đạm (trứng, hạnh nhân, ức gà,...), chất béo lành mạnh (bơ, phô mai, các loại hạt,...), vitamin (khoai lang, cà rốt, ớt chuông, gan động vật,...) và khoáng chất (rau xanh, thịt, trứng,...).
4. Vệ sinh cá nhân đảm bảo, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh tai mũi họng bằng nước muối, khi tiếp xúc với người bệnh cần có dụng cụ bảo hộ.
5. Tập thể dục thường xuyên và đều đặn. Khi tập nên bắt đầu từ các động tác nhẹ nhàng, sau đó mới từ từ tăng dần cường độ vận động. Lưu ý không đi chân đất và không nên thể dục ngoài trời vào mùa đông.
6. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày (nước đủ ấm, không uống nước lạnh, nước đá) để đảm bảo độ ẩm cho da, hỗ trợ tiêu hóa và các cơ quan hoạt động hiệu quả.
7. Không nên tắm khuya sau 22h00, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nước ấm để tắm, vệ sinh thân thể.
8. Cần vệ sinh miệng, họng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc miệng bằng nước ấm có pha muối loãng giúp sát trùng cổ, họng và hạn chế viêm họng. Thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn.
9. Chủ động tiêm vaccine phòng tránh các bệnh dễ mắc mùa lạnh như cúm, sởi, rubella, viêm phổi, ...
Chú ý khi tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ rất lạnh có thể gây giảm thân nhiệt, nhất là người già, người gầy ốm, bị bệnh mãn tính, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ sơ sinh; Biểu hiện giảm thân nhiệt: run, kiệt sức, nhầm lẫn, mất trí nhớ, nói lơ và buồn ngủ...
Trên đây là những chia sẻ của Ban công tác Y tế trường Tiểu học Dị Sử dành cho các bậc cha mẹ, các em học sinh và toàn thể nhân dân. Hy vọng sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường sẽ giúp các em có một cơ thể khỏe mạnh phát triển hài hòa, cân đối cả về thể chất và tinh thần đảm bảo an toàn sức khỏe cho các em học sinh đến trường.
Trân trọng!