A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NGHĨ VỀ NGÀY TRUYỀN THỐNG NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

Dân tộc Việt Nam ta từ lâu vốn có truyền thống tốt đẹp Tôn sư trọng đạo; Nhất tự vi sư, bán tự vi sư (một chữ cũng là thầy, học nửa chữ cũng là thầy). Bác Hồ đã khẳng định: "Không có thầy giáo thì không có giáo dục"Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang, và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Có thể cao quý nhất, sáng tạo nhất ở đây vì đối tượng mà thầy cô giáo tác động, sản phẩm mà thầy cô giáo làm ra là CON NGƯỜI. Vì vậy, ngoài việc truyền thụ kiến thức cho các em học sinh, thầy cô giáo còn phải giúp học sinh hình thành nhân cách, phải biết đối nhân xử thế, có đạo đức lối sống tốt đẹp, có kĩ năng sống, khả năng thích ứng cuộc sống nghề nghiệp…Cũng tức là, các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.  

Ca dao xưa có câu:

                                          Muốn sang thì bắc cầu Kiều

                                    Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy.

Và tục ngữ cũng đã dạy: Không thầy đố mày làm nên… đủ thấy được lòng trân trọng, kính yêu của nhân dân ta dành cho nhà giáo- những kỹ sư tâm hồn của mọi thời đại như thế nào. Với vị trí và vai trò quan trọng, đặc biệt của nghề giáo mà ngày 20/11/1954, Liên đoàn Quốc tế các Công đoàn Giáo dục công bố bản “Hiến chương quốc tế các nhà giáo” nhằm kêu gọi các nhà giáo trên thế giới phấn đấu vì một nền giáo dục dân chủ và bảo vệ hòa bình. Hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ hai họp tại Vacsava (Ba Lan) từ ngày 20 – 30/8/1957 đã quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm làm ngày kỉ niệm và tuyên truyền rộng rãi nội dung tiến bộ của “Hiến chương các nhà giáo”. Ngày 20/11 hàng năm được coi là ngày “Hiến chương quốc tế các nhà giáo”.

Ở Việt Nam, ngày 20/11/1958 ngày “Hiến chương các nhà giáo” được tổ chức lần đầu tiên ở miền Bắc. Khi Việt Nam thống nhất, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167/HĐBT lấy ngày 20/11 hằng năm (bắt đầu từ 1982) là ngày Nhà giáo Việt Nam. Và ngày Nhà giáo Việt Nam được ra đời từ đấy.

Nội dung quyết định số 167-HĐBT có đoạn:

     Điều 1. Từ nay hàng nǎm sẽ lấy ngày 20-11 là ngày nhà giáo Việt Nam.

     Điều 2. Để ngày 20-11 có ý nghĩa thiết thực hàng nǎm từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình, kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cấp bách tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và nǎng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hoạt động phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt nhiệm vụ cao cả của mình.

     Điều 3. Việc tổ chức ngày 20-11 hàng nǎm do Uỷ ban Nhân dân và Hội đồng các cấp chủ trì, có sự phối hợp các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thǎm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc gặp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích. Việc tổ chức ngày nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh.

      Điều 4. Trong ngày 20-11 các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và địa phương. 

Nền  giáo dục Việt Nam thực sự  được bắt đầu từ thời Lý (1009 – 1225), với khoa thi nho học tam trường đầu tiên trong lịch sử khoa cử nước ta vào năm 1075. Thời phong kiến, nước ta chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nền văn hóa Trung Quốc. Đạo học lấy chữ Nho làm trọng và được kính trọng gọi là chữ Thánh hiền, lấy đạo lý Khổng Mạnh làm kim chỉ nam; lấy Tứ thư, Ngũ kinh làm kinh điển…Người thầy có học vị, tài năng, có nhân cách mẫu mực (ông Tú, ông Cử, các quan về hưu…), học trò không hề có thái độ bất kính, hỗn xược. Xã hội phong kiến luôn dành cho người thầy một vị trí xứng đáng. Trong ba điều kính trọng trước hết của một con người thì người thầy ở vị trí thứ hai “Quân – sư – phụ”. Trong dân gian, hình ảnh người thầy được sánh ngang hàng với cha mẹ “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy” hay trong ba ngày tết thì “Mùng một thăm cha, mùng hai thăm mẹ, mùng ba thăm thầy”.

          Nghề dạy học- nghề cao quý, thiêng liêng, thanh cao đã được thơ ca, nhạc, hoạ tôn vinh. Cảnh thầy đồ dạy học đã đi vào tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng như Thầy đồ Cóc dạy học. Nhiều bài hát hay ngợi ca nghề dạy học như Cô đi nuôi dạy trẻBài ca người giáo viên nhân dân (Hoàng Vân), Bụi phấn (Vũ Hoàng & Lê Văn Lộc), Trường làng tôi (Phạm Trọng Cầu), Tiếng đàn cô giáo Tô Thị RĩnhNgười Mèo ta có chữ rồi

          Những nhà giáo chân chính Việt Nam luôn có cuộc sống giản dị trong sáng, mẫu mực, không màng danh lợi, không chuộng hư danh. Các nhà giáo xưa đã bao người nêu cao tấm gương tiết tháo, giàu sang không mềm lòng đổi trắng thay đen, uy vũ không khuất phục, suốt đời sống chết với nghề dạy học. Ngày nay, các nhà giáo rất tự hào với danh hiệu “kỹ sư tâm hồn”, tuyệt đại bộ phận thầy giáo, cô giáo vẫn giữ vững phẩm chất trong sạch, luôn giữ mình là “tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.

          Tên tuổi những nhà giáo nổi tiếng từ xưa đến nay vẫn ghi sâu vào tâm trí mỗi người, tuy họ chẳng được khắc bảng vàng bia đá.

          Nhà giáo nữ đầu tiên ở nước ta vào thế kỷ XV là bà Ngô Chi Lan, quê ở Phù Lỗ, Kim Hoá, Sóc Sơn đã được vua Lê Thánh Tông mời vào cung dạy học. Thầy Đỗ Năng Tế dạy học cho hai Bà Trưng. Các thầy Chu Văn An (1293-1370), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1409-1585), Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), Nguyễn Thiếp (1723-1804), Lê Đình Diên (1824-1883), Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Nguyễn Khuyến (1835-1909) đều là những thầy giáo mẫu mực, tài giỏi. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc) đã từng dạy ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã dạy học ở một số trường… Tên tuổi nhiều nhà giáo đã được dùng đặt tên cho các trường học, đường phố, công trình, hoặc giải thưởng của các cuộc thi…

          Ngược dòng lịch sử, tìm trong sử vàng có biết bao tấm gương nhà giáo Việt Nam mẫu mực làm rạng danh đất nước:

1. CHU VĂN AN (1292 – 1370) – Người thầy đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam:

 

          Tên thật Chu An, là một đại quan được phong tước Văn Trịnh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An. Quê ông ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì - Hà Nội).

          Là người tài giỏi, đức độ nên được nhiều người kính trọng. Gần xa theo học rất đông. Những người nổi danh đương thời như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát... đều từng thụ giáo ông. Đời vua Trần Minh Tông ông được giao chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám và phụ trách việc dạy dỗ các Hoàng tử, Vương tôn. Đến đời vua Trần Dụ Tông, ông dâng “Thất trảm sớ” xin chém đầu bảy tên nịnh thần - “một tờ sớ nghĩa khí động đất trời” (Lê Tung). “Thất trảm sớ” không được Dụ Tông thi hành, ông bèn cáo quan về ở ẩn ở núi Chí Linh, tiếp tục công việc dạy học. Công lao của Chu An đối với sự nghiệp giáo dục là ở nhân cách một người thầy. Khi ông mất Trần Nghệ Tông truy phong là Văn Trịnh Công rồi cho thờ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, ngang hàng với các bậc hiền triết. Ngay từ khi còn sống nhân dân luôn ca ngợi phẩm chất thanh cao tuyệt vời của ông và coi ông là người thầy vĩ đại. Cuộc đời của ông dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm thì bản chất luôn là một thầy giáo mẫu mực. Ông được đánh giá là nhà sư phạm toàn diện nhất trong lịch sử đất nước. Trong suốt cuộc đời hành nghề giáo dục, Chu Văn An đã dạy hầu hết các học sinh từ thấp đến cao, từ bình dân đến quý tộc. Phan Huy Chú đã ca ngợi: Học nghiệp thuần tuý, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có một ông, các ông khác không thể nào so sánh được.

2. NGUYỄN TRÃI (1380-1442), vị khai quốc công thần triều Lê, là người văn võ song toàn, từng là thầy dạy học, sau khi đỗ Thái học sinh, là thầy dạy các Thái tử, Hoàng tử Triều Lê.

 

3. Trạng Trình NGUYỄN BỈNH KHIÊM (1491 - 1585):

          Ông sinh năm Tân Hợi đời vua Lê Thánh Tông, tức năm Hồng Đức thứ 22 (1491), tại thôn Cổ Am, Hải Dương, nay là huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Sinh trưởng trong một danh gia vọng tộc, thân phụ ông là Thái bảo Nghiêm quận công Nguyễn Văn Định, thân mẫu là bà Nhữ Thị Thục, con gái quan Thượng thư Nhữ Văn Lan, là người giỏi văn thơ và am hiểu lý số, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã hấp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương. Vì ông đỗ trạng nguyên và được phong tước Trình Tuyền hầu nên dân gian gọi ông là Trạng Trình. Làm quan được 7 năm, ông dâng sớ hạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua nghe nên xin cáo quan năm 1542. Khi về trí sĩ, ông dựng am Bạch Vân và lấy hiệu Bạch Vân Cư Sĩ mở trường dạy học cạnh sông Hàn giang, do đó còn có tên Tuyết giang và học trò gọi ông là "Tuyết giang Phu tử". Học trò của ông có nhiều người cũng nổi tiếng như Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, một nhà ngoại giao hay Nguyễn Dữ, tác giả Truyền Kỳ Mạn LụcLương Hữu KhánhNguyễn Quyền.

 

         Trong hoàn cảnh lịch sử thế kỷ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất hiện và ngay lập tức được đón nhận. Người ta thấy rằng ông quả là bậc hiền tài mà họ trông chờ, ông mang đủ tư cách của một ông thầy đáng để cho họ quý trọng. Ông giáo dục đạo đức làm người và phê phán những thói hư tật xấu. Nhưng dù khen, chê hay dạy dỗ thì ngôn ngữ, phong cách và tư tưởng của ông vẫn rất bình dị, gần gũi. Đó cũng là một khía cạnh đáng quý trong con người ông. Nhân dân luôn coi ông là một người thầy xuất sắc, một học giả uyên bác đã có công cảnh tỉnh họ, đã bày cho họ một lối ứng xử thích hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Biết được những cách xử thế đó, nhân dân lao động có thể tồn tại vững vàng giữa bao nhiêu chuyện mất còn thị phi của chế độ phong kiến đang ở bước suy vong. Ông mất năm Ất Dậu (1585) hưởng thọ 94 tuổi. Lễ tang ông có quan phụ chính triều đình là Ứng vương Mạc Đôn Nhượng dẫn đầu các quan đại thần về dự. Việc vua Mạc cử người được vua coi như cha về dự lễ tang nói lên sự trân trọng rất lớn của nhà Mạc với Trạng Trình. Trong buổi lễ tang ấy, Ứng vương đã thay mặt vua truy tặng Nguyễn Bỉnh Khiêm tước Thái phó Trình quốc công.

          Nhận xét về Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà sử học Phan Huy Chú đã viết trong bộ sách lớn Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí: "Một bậc kỳ tài, hiền danh muôn thưở".

4. VÕ TRƯỜNG TOẢN:

          Quê làng Thanh Kệ (nay thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), sau vào Nam, ngụ tại huyện Bình Dương, phủ Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Ông là một học giả Nho giáo nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam. Trong thời chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn Ánh, ông ở ẩn, mở trường dạy học, không tham gia vào chính sự. Học trò của ông khá đông và nhiều người nổi tiếng như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu, Phạm Đăng Hưng, Lê Bá Phẩm. Nguyễn Phúc Ánh (Vua Gia Long sau này - NTL) mến mộ ông nên mỗi khi ghé Gia Định thường triệu ông đến đàm đạo. Võ Trường Toản tiến chúa Nguyễn 10 điều về phương lực cứu quốc và kiến quốc. Võ Trường Toản được các sĩ phu Nam Bộ tôn là "Thái sơn Bắc đẩu". Ông mất ngày mồng 9 tháng 6 năm Nhâm Tý (tức 27 tháng 7, 1792). Lúc mất ông được nhà Nguyễn tặng danh hiệu "Gia Ðịnh sử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh" để khắc vào bia mộ, và đôi liễn truy điệu:

Triều hữu huân danh, bán thuộc hà phần cực học;

Đẩu nam phong giáo, tề khâm nhạc lộc dư hay.

Để tưởng nhớ công đức của ông, học trò cũ đã viết đôi liễn:

        Sinh tiên giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử

        Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong"

(Dịch nghĩa: Lúc sống dạy dỗ được người, không con cũng như có. Chết, tiếng tăm còn để, mất mà chẳng mất).

          Hài cốt ông lúc đầu được chôn tại làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương. Năm 1855, Phan Thanh Giản tâu xin lập miếu thờ ông tại làng Hòa Hưng. Đến đời Tự Đức năm 18 (1865), ông được cải táng về làng Bảo Thạnh, Ba TriBến Tre.

5. LÊ QUÝ ĐÔN (1726 - 1784):

 

          Tên thật Lê Danh Phương là quan của nhà Hậu Lê đồng thời có thể coi là một nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực. Ông được mọi người biết đến với những công trình văn hoá, văn học xuất sắc và ông còn nổi tiếng là một nhà nho, một nhà giáo dục có đức độ, tài năng. Ông mở trường lớp, thu nhận học trò và dạy họ những kiến thức, những đạo đức làm người nên tình cảm của học trò đối với ông rất sâu sắc. Khi Lê Quý Đôn mất, Bùi Huy Bích – một học trò rất thành đạt của ông đã làm bốn bài văn tế thầy đã nói “Thông minh nhất đời, đọc rộng các sách, trước thuật văn chương đủ dạng đời và lưu truyền về sau. Nước ta trong vài trăm năm nay mới có người như vậy”, “Sự dạy bảo của thầy không liệt vào năm bậc luân thường nhưng năm bậc luân thường cũng từ đó mà sắp đặt. Trang phục của học trò không ghi trong tang lễ nhưng không phải tang lễ có thể ra trang phục…ơn dạy bảo sâu dày mà không thể báo đền, tình mến cảm triền miên mà không bao giờ hết được”.

6. NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822-1888):

 

          Thường gọi là Cụ Đồ Chiểu sinh ra ở phủ Tân Bình (Gia Định). Cuộc đời ông gặp rất nhiều đau khổ (đỗ tú tài nhưng bỏ thi Hội về chịu tang mẹ, trên đường về ốm nặng, khóc thương mẹ đến nỗi mù mắt, vợ chưa cưới bội ước). Vượt lên hoàn cảnh, ông mở trường dạy học, làm thuốc. Khi giặc Pháp xâm lược, Nguyễn Đình Chiểu vẫn giữ vững khí tiết, dùng văn chương làm vũ khí, ca ngợi nghĩa quân. Nguyễn Đình Chiếu đề cao trung, hiếu, tiết, nghĩa, bộc lộ lòng yêu nước, yêu nhân dân. Tác phẩm nổi tiếng: Lục Vân Tiên, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

          Hầu như ai cũng nhớ hai câu thơ khẳng khái của ông:

             “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

               Đâm mấy thằng gian bút chẳng

7. NGUYỄN KHUYẾN (1835 – 1909): là một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Người thầy mẫu mực đã để lại cho đời sau những bài học đạo đức vô cùng sâu sắc. Thầy rất nghiêm khắc với học trò, cả với con cái của mình khi họ đã trở thành ông kia bà nọ.

 

8. NGUYỄN SINH SẮC (1862 – 1929): Thân sinh của Bác Hồ kính yêu, đỗ Phó bảng  nhưng không ham chốn quan trường, cụ mở trường dạy học ở nhiều nơi, được nhân dân yếu mến. Khi cụ mất, nhân dân đã gìn giữ tôn tạo mộ cụ qua các thời kỳ. Thầy Nguyễn Sinh Sắc có công đào tạo nhiều thế hệ học trò và càng có công lớn với đất nước khi sinh ra một lãnh  tụ vĩ đại cho dân tộc, một danh nhân thế giới. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành, trước khi đi tìm đường cứu nước, Người từng đi in dấu chân tại trường Dục Thanh - Phan Thiết. Sau này khi lãnh đạo đất nước, Bác vẫn là một nhà giáo dục sâu sắc. Không ai quên 5 điều Bác Hồ dạy, không ai quên lời Bác: “ Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt ”, ai cũng nhớ câu “vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Nhiều người nói rằng người cha là người thầy học đầu tiên của con mình, trong sử vàng của truyền thống giáo dục Việt Nam ghi nhận nhiều tấm  gương:

          Như cụ Nguyễn Nghiễm đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Tể tướng thời Hậu Lê đã được vua nhường cho danh dự được trao áo mão cho con trai mình mới đỗ tiến sĩ, đó là Tiến sĩ Nguyễn Khản, anh trai của thi hào Nguyễn Du. Như nhà giáo, Phó bảng Lê Trọng Thứ sinh ra nhà Bác học Lê Quí Đôn, tên tuổi người không ai không nhớ. Như cụ Dương Trọng Phổ là một nhà giáo yêu nước, năm 1909 cụ bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo, sau đó được tha, cụ về tiếp tục dạy học. Ba con trai của cụ là Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, Dương Tụ Quán đều là nhà giáo:  Dương Bá Trạc sinh năm 1884; nổi tiếng hay chữ; mới 16 tuổi đã đỗ cử nhân. Không muốn làm quan mà chỉ lo sao nước nhà thoát khỏi vòng nô lệ. Năm 1906 (22 tuổi) Dương Bá Trạc đã cùng Phan Chu Trinh tìm cách lên Yên Thế, gặp Hoàng Hoa Thám bàn kế hoạch đánh Pháp. Tiếp đó, Dương Bá Trạc tham gia Đông Kinh nghĩa thục, nhận các việc dạy học, diễn thuyết cổ động tân học, hô hào duy tân, tự cường. Lại được cử vào ban tu thư của nhà trường. Năm 1908, Dương Bá Trạc bị Pháp bắt, kết án 15 năm biệt xứ, đầy đi Côn Đảo. Được mấy năm, chúng đưa về an trí tại Long Xuyên. Tới 1917 mới tha, cho ra Bắc. Toàn quyền Pháp nhiều lần mua chuộc, bổ ông làm tri huyện nhưng ông vẫn khảng khái từ chối. Ông viết báo, làm sách. Tháng 10/1943, ông bị quân Nhật ở Đông Dương đưa sang Singapore - năm sau (1944), ông bệnh nặng, mất ở đó.

          Như thầy Đặng Nguyên Cẩn tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục và hoạt động yêu nước, là cha của nhà giáo – nhà văn Đặng Thai Mai. Đặng Thai Mai là nhà văn hóa lớn của dân tộc, ông vừa dạy vừa viết rất nhiều sách. Đặng Thai Mai là bố vợ của nhà giáo – đại tướng Võ Nguyên Giáp, là cha đẻ của các giáo sư đang giảng dạy tại các trường Đại học như Đặng Thu Hà, Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào.

          Như cụ Nguyễn Khoa Tùng, cha của Hải Triều Nguyễn Khoa Văn,  vừa là thầy giáo vừa là nhà chính trị Macxit Lêninnit nổi tiếng trong cuộc bút chiến nghệ thuật vị nhân sinh và nghệ thuật vị nghệ thuật ở những năm 30 của thế kỷ 20. Hải Triều Nguyễn Khoa Văn là cha của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

           Còn có giáo sư Tôn Thất Tùng, cha đẻ của giáo sư Tôn Thất Bách.

          Và còn rất nhiều những nhà giáo khác nữa không thể kể hết. Họ là những danh thần, danh nhân, nhà cách mạng, học giả, nhà văn, nhà thơ: Phan Chu Trinh – Người thầy với cuộc vận động Duy Tân, thầy giáo Hoàng Ngọc Phách (nổi tiếng với tiểu thuyết “Tố Tâm”, Ca Văn Thỉnh, Lương Văn Can, Phạm Duy Tốn, Hoàng Như Mai, Nguyễn Văn Huyên, … đã dành những phần đời và có khi cả cuộc đời cho việc dạy học.

          Tất cả họ là những người đức tài cao vời vợi mà chúng ta hết lòng ngưỡng mộ và noi theo.

          Truyền thống Nhà giáo Việt Nam là niềm tự hào, là ý thức trách nhiệm của đội ngũ những người thầy đã được hình thành, vun đắp và phát triển trong tiến trình lịch sử. Những truyền thống đó bao gồm:

          Thứ nhất, truyền thống nhân hậu: đó là truyền thống của các thế hệ nhà giáo Việt Nam với những người giàu lòng nhân hậu, yêu thương con người, thông qua việc dạy chữ để dạy người và dùng nhân cách của mình để hướng dẫn thế hệ trẻ. Thế nên, có nhiều người nổi tiếng, có địa vị trong xã hội… nhưng vẫn lấy nghề dạy học làm niềm vui, niềm tự hào, làm mục đích sống giản dị, trung thực, và được nhân dân thực sự kính trọng, yêu mến. Các thế hệ nhà giáo Việt Nam trong từng thời kỳ đã đảm nhận chức năng  truyền lại cho thế hệ sau những tinh hoa văn hóa của nhân loại, của dân tộc để “con hơn cha”.  Từ đó nhân cách nhà giáo đã trở thành một phần tinh hoa nhân cách con người Việt Nam, được truyền từ đời này sang đời khác. Có thể thấy rằng, nghề dạy học tự bản thân nó đã đề ra một yêu cầu nghiêm ngặt đòi hỏi ở đội ngũ người thầy, trước hết phải là một người với tất cả phẩm chất tốt đẹp cần phải có, cùng với trình độ uyên thâm của mình để hướng dẫn nhân dân những điều hay lẽ phải trong cuộc sống.

          Thứ hai, truyền thống yêu nước: Trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, giải phóng dân tộc của dân tộc Việt Nam, có sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, trong đó người thầy giáo Việt Nam luôn là những người tiêu biểu. Họ không chỉ là nhà giáo mà còn là một nhà yêu nước: Trong thời kì phong kiến, xuất hiện nhiều tấm gương khẳng khái của nhà giáo đó là Võ Trường Toản, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Đắc Bằng, Cao Bá Quát khởi nghĩa chống lại triều đình...  

          Thời kỳ chống thực dân Pháp, từ khi Pháp xâm lược Việt Nam đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong các phong trào đấu tranh của nhân dân chống Pháp lúc bấy giờ có nhiều nhà giáo Việt Nam đã tham gia, như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Nghị, Tống Duy Tân, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Quyền, Lương Văn Can,  Nguyễn Văn Lạc, Phan Bội Châu…

          Đặc biệt đầu thế kỷ XX, lãnh tụ của Việt Nam khởi đầu sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình cũng bằng nghề dạy học với tên gọi thầy giáo Nguyễn Tất Thành, ở trường Dục Thanh (Phan Thiết). Những năm tháng hoạt động ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan, Người vẫn luôn dành thời gian để học tập và tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin cho những người cộng sản cùng chí hướng.

          Ở Việt Nam, từ khi Chủ nghĩa Mác-Lênin được truyền bá vào nước ta, nhiều  nhà giáo đã đi theo đội ngũ những người cộng sản, đóng góp công lao xứng đáng cho cách mạng, cho dân tộc. Trong bốn người đại diện cho ba tổ chức Cộng sản trong Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) thì cả bốn người đều từng là nhà giáo,  đó là đồng chí Châu Văn Liêm, đại diện cho An Nam Cộng sản Đảng (ở Nam Kỳ) từng dạy học ở Chợ Thủ - Long Xuyên; đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng (ở Bắc Kỳ) từng dạy học ở Trường Công Ích - Bạch Mai (Hà Nội); đồng chí Nguyễn Thiệu dạy ở trường Nhật Đức (Phố nhà Chung – Hà Nội) và đồng chí Trịnh Đình Cửu làm gia sư cho các gia đình ở Hà Nội để hoạt động cách mạng.

          Nhiều đồng chí giữ trọng trách cao nhất của Đảng, Nhà nước cũng từng là nhà giáo như: Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Nhiều đồng chí cán bộ xuất sắc của Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật cũng từng là nhà giáo như những Tô Hiệu, Ngô Gia Tự…

          Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước ta đã trưởng thành từ những nhà giáo. Riêng trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước có khoảng 3000 cán bộ, giáo viên được chi viện cho chiến trường miền Nam với 29 đợt (1961 - 1975) và trên 9000 nhà giáo kháng chiến tại chỗ.

          Thứ ba, Truyền thống hiếu học, đại dức - đại trí: Nghề dạy học được xã hội quí trọng, tôn vinh, không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta thường nói ông thầy “biết mười dạy một”. Nhà giáo là người truyền lại tinh hoa, trí tuệ của xã hội từ thế hệ này cho thế hệ khác, thông qua dạy chữ để dạy người, là người khơi dậy sức sáng tạo ở thế hệ tiếp theo làm rạng rỡ non sông đất nước. Để thực hiện được sứ mệnh ấy, các nhà giáo Việt Nam đều là những người ham hiểu biết, không ngừng vươn lên đỉnh cao của thời đại. Những nhà giáo tiêu biểu cho truyền thống hiếu học, đại đức, đại trí đó là Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm am tường nhiều lĩnh vực, không những đào tạo nên nhiều người tài, mà vua chúa cũng phải vị nể xin ý kiến về chính trị, về quốc kế dân sinh; là Nguyễn Đình Chiểu không hợp tác với giặc đã sống cuộc đời với lý tưởng đạo đức của mình “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẩm – đâm mấy thằng gian bút chằng ”. Rất nhiều tấm gương về nhà giáo, trí thức vừa là người thầy giáo giỏi, vừa là người trí thức của dân tộc mà chúng ta có thể tự hào về đội ngũ trí thức Việt Nam. 

          Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 (20/11/1982 – 20/11/2022), chúng ta cùng ôn lại truyền thống nhà giáo Việt Nam để hiểu rằng, xây dựng và đào tạo con người là yếu tố hết sức quan trọng và càng thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Song, để có những con người hoàn thiện thì không thể thiếu đội ngũ những người thầy. Đó là nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang mà đội ngũ người thầy giữ vai trò quyết định đối với mỗi người và cộng đồng dân tộc./.  

                                                                                                 (Tham khảo các tài liệu, tư liệu lịch sử)


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết