A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY – HỌC TRỰC TUYẾN HIỆU QUẢ

Trong bối cảnh dịch Covid -19 tiếp tục lây lan và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, đảm bảo an toàn trường học; vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo.

Hiện nay rất nhiều trường học trên cả nước vẫn phải thực hiện hình thức dạy – học trực tuyến với nỗ lực làm chậm sự lây lan của dịch bệnh. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho giáo viên khi xác định các phương pháp dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, gây hứng thú cho học sinh, nhất là đối với giáo viên và học sinh tiểu học. Để nâng cao hiệu quả giảng dạy trực tuyến, để có sự tương tác tốt giữa giáo viên và học sinh trong các tiết dạy, giáo viên có thể dạy học trực tuyến với nhiều ứng dụng như phần mềm dạy học Zoom, Trans, Google meet, OLM hoặc phần mềm Microsoft Teams, … Bên cạnh đó giáo viên cũng có thể ứng dụng các nền tảng dùng để đánh giá, nhận xét, kiểm soát các hoạt động tương tác trực tuyến của học sinh như: Azota, Quizizz, Kahoot, Sử dụng Classpoint App, …

Nhằm thúc đẩy hoạt động dạy – học trực tuyến có hiệu quả, gây hứng thú đối với học sinh, tập thể CBGV Trường Tiểu học Dị Sử đã tìm hiểu, vận dụng và xin chia sẻ những cách làm hữu ích đối với giáo viên. Đó là, giáo viên nên chuẩn bị bài giảng thật cẩn thận và chu đáo. Trong giờ dạy, nên tăng sự tương tác, khơi gợi sự hứng thú học tập, làm giờ học trở nên nhẹ nhàng, giảm bớt áp lực học tập, giúp các em học sinh tăng thêm cơ hội luyện tập cùng với giáo viên, nhằm ghi nhớ nội dung bài học sâu hơn.

Cụ thể:

1. Nắm rõ cách sử dụng công nghệ để dạy học trực tuyến

- Để dạy học trực tuyến được diễn ra và tiến hành suôn sẻ, các lớp học cũng cần phải được trang bị những công nghệ phù hợp, bao gồm: máy tính, điện thoại, Ipad, phần mềm dạy học trực tuyến và các trang bị hỗ trợ như: Webcam ghi hình, tai nghe, microphone khử ồn,…..Và nhiệm vụ của giáo viên là cần phải nắm rõ cách thức sử dụng những công nghệ hiện đại này.

- Ban đầu, việc học tập và tiếp nhận công nghệ mới có lẽ sẽ gây khó khăn đối với không ít giáo viên, đặt biệt là những đồng chí đứng tuổi, không giỏi về công nghệ. Tuy nhiên tình trạng này có thể dễ dàng được khắc phục nếu như giáo viên có thời gian chuẩn bị và được hỗ trợ hướng dẫn sử dụng công nghệ dạy học trực tuyến đúng cách. Vì vậy, nhà trường đã tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn trực tiếp (trực tuyến) cho giáo viên về cách thức sử dụng các công cụ dạy học trực tuyến cần thiết.

- Sử dụng thành thạo công nghệ thông tin cùng các trang thiết bị hỗ trợ dạy học giúp cho giáo viên có thể tương tác với học sinh tự nhiên và hiệu quả nhất, quản lý các học sinh tốt nhất, đem lại hiệu quả cao cho việc giảng dạy.

2. Chuẩn bị chu đáo trước mỗi tiết học Online

- Nhà trường cùng giáo viên đã phối hợp phụ huynh học sinh lên kế hoạch và thống nhất lịch học cụ thể. Giáo viên có trách nhiệm thành lập các nhóm Chat (Zalo) riêng cho từng lớp học, gửi thông báo cụ thể về lịch học. Đồng thời giáo viên theo dõi và thường xuyên nhắc nhở học sinh chuẩn bị bài trước khi lên lớp.

- Giáo viên cần chuẩn bị trước các tài liệu giảng dạy cần thiết, bao gồm: bản PDF, bản word hoặc hình ảnh, video, tài liệu,… Có thể gửi bài tập về nhà vào trong nhóm chat online. Học sinh có thể tự theo dõi và tự làm bài tập, nội dung nào chưa hiểu có thể câu hỏi cho giáo viên khi tham gia học online.

- Nếu dạy học trực tiếp trên lớp người giáo viên phải chuẩn bị một thì có lẽ khi dạy học trực tuyến, họ phải chuẩn bị gấp đôi: cả về slide bài giảng, tìm hiểu công nghệ, thiết kế Kế hoạch bài dạy, … Người giáo viên phải quan tâm nhiều hơn đến việc nắm bắt bài học của học sinh, bởi trên thực tế khi dạy trực tuyến khó đánh giá được sự theo dõi của người học như trên lớp dạy trực tiếp. Bởi vậy, cần xây dựng tính chủ động, tích cực, tự giác học tập ở học sinh để có được hiệu quả học tập tốt nhất.

3. Đổi mới phương pháp dạy học

- Tương tác trong lớp học truyền thống hoàn toàn khác so với trong các lớp học trực tuyến. Tại các lớp học trực tiếp, giáo viên có thể khuấy động không khí lớp học thông qua các hoạt động thể chất, quan sát đánh giá học sinh qua các biểu hiện bên ngoài,….Tuy nhiên, cách tương tác đó có thể không còn được phát huy khi giảng dạy trực tuyến, mà đòi hỏi có những cách trao đổi, tác động qua lại kiểu khác, cần đổi mới cách tương tác giữa người dạy và người học.

- Người giáo viên cần trình bày nội dung một cách rõ ràng nhất có thể. Bởi trong các lớp học trực tuyến, ngôn ngữ hình thể có thể không còn phát huy nhiều tác dụng khi người học có khi không quan tâm nhiều đến yếu tố “xem” mà chỉ chú trọng yếu tố “nghe”.

- Việc giảng dạy bằng bảng đen truyền thống cũng cần được thay thế bằng các cách diễn đạt khác phù hợp, như Bài giảng Power Point, hình ảnh, video clip, … Và, người thầy cần phải chú tâm truyền đạt một cách tốt nhất có thể.

4. Lựa chọn phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp

- Hiện nay có khả nhiều phần mềm chuyên dụng cho họp và học tập trực tuyến, nhưng vấn đề đặt ra là cần lựa chọn phần mềm nào phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của các trường học, cơ sở giáo dục. Các phần mềm miễn phí như Google Classroom, hay Moodle thường khó sử dụng và cần có thời gian để làm quen. Các giải pháp phần mềm hỗ trợ phổ biến nhất hiện nay là Google meet, OLM hoặc phần mềm Microsoft Teams, dễ sử dụng và có sự hỗ trợ kỹ thuật chu đáo từ các đơn vị phân phối bản quyền phần mềm.

- Khi đã lựa được hệ thống phần mềm phù hợp thì nhà trường đã dành thời gian hướng dẫn tập huấn để giáo viên làm quen trước khi đi vào áp dụng trực tiếp. Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm chính là người trực tiếp hướng dẫn cách thức sử dụng phần mềm cho phụ huynh học sinh và học sinh trước khi đi vào sử dụng trong thực tế.

5. Đánh giá sau mỗi giờ học Online

- Việc đánh giá kết quả của học sinh cũng được xem là một trong những bước quan trọng. Từ khâu đánh giá này, giáo viên có thể rút ra được phương pháp dạy của mình có phù hơp không, học sinh có thật sự ham muốn, ý thức và tự giác không… Vì vậy đánh giá sau mỗi buổi học, tiết học được xem là kim chỉ nam để đánh giá năng lực học sinh.

- Giáo viên nên ứng dụng các nền tảng trực tuyến để đánh giá học sinh:

+ Đánh giá việc học tập của học sinh: Đưa ra các bài tập, câu đố, thăm dò ý kiến và tóm tắt các kiến thức cơ bản đã truyền đạt trong lớp học để theo dõi sự tiến bộ của học sinh.

+ Xây dựng trải nghiệm học tập cá nhân: Chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ để khuyến khích học sinh trao đổi và thảo luận.

+ Khen thưởng những hành vi tích cực của học sinh: Tạo huy hiệu (chứng nhận) trực tuyến và trao cho học sinh như một phần thưởng để các em có thể lưu lại vào hồ sơ. Việc ngắm nhìn và trưng bày huy hiệu có thể giúp các em có thêm động lực học tập.

- Rất nhiều người nghĩ rằng, sau khi dạy học xong thì mọi công việc đã hoàn thành. Tuy nhiên, bước đánh giá lại là giai đoạn giúp chúng ta nâng cao kĩ năng cũng như kiến thức của bản thân một lần nữa. Đánh giá sau mỗi buổi dạy, mỗi bài học là cần thiết vì người giáo viên sẽ xác định xem đã đạt được yêu cầu cần đạt của tiết dạy đề ra chưa. Ngoài ra những đánh giá từ những học sinh còn giúp cho thầy (cô)  nhận ra những điểm mạnh, yếu về hệ thống trực tuyến mà mình sử dụng, từ đó có thể cải thiện chúng ở những bài giảng, giờ học trực tuyến tiếp theo.

6. Lưu lại nội dung bài giảng

- Khi học trực tuyến việc giáo viên nói hoặc trình bày liên tục bài giảng trong một khoảng thời gian dài có thể khiến học sinh mất tập trung. Vì vậy, việc lưu trữ lại bài giảng là cách quan trọng tạo nên hiệu quả cao trong việc dạy, học. Các bài giảng đã được quay có thể được lưu giữ lại để giúp học sinh có thể xem lại khi cần.

VD: Phần mềm Zoom Cloud Meeting có hỗ trợ tính năng ghi lại và lưu trữ nội dung bài giảng trên nền tảng đám mây (Cloud). Với Cloud Storage của Zoom, giáo viên và học sinh có thể đăng tải và xem lại nội dung bài giảng từ bất cứ nơi nào thông qua kết nối Internet mà không cần tốn đến dung lượng bộ nhớ máy tính/ điện thoại.

7. Khuyến khích sự tham gia của cha mẹ và người đỡ đầu, người chăm sóc học sinh trong việc tạo điều kiện cho việc học trực tuyến của trẻ em.

- Tạo ra một môi trường gia đình hỗ trợ học sinh học tập là việc làm vô cùng quan trọng. Đối với nhiều bậc cha mẹ, việc giúp đỡ con cái học tập trực tuyến có thể là một thách thức.

- Liên hệ với cha mẹ học sinh và đồng thuận về cách cha mẹ có thể hỗ trợ trẻ. Cho cha mẹ trẻ biết các nhiệm vụ họ cần làm và kỳ vọng của giáo viên đối với họ. Nếu học sinh không thể theo kịp bài tập về nhà, hãy khuyên cha mẹ trẻ không nên quá lo lắng, vì đó không phải một vấn đề lớn. Khuyến khích các bậc cha mẹ cho trẻ em xây dựng những thói quen tự giáo học tập hàng ngày và làm các công việc đơn giản như đọc sách hoặc viết về một ngày của trẻ.

- Đặc biệt, phối hợp với phụ huynh có kế hoạch giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn khi sử dụng các thiết bị tham gia học tập trực tuyến cho học sinh, hay kĩ năng sử dụng các thiết bị một cách thành thạo, hiệu quả (ngay cả khi không có người lớn ở nhà).

- Phối hợp với cha mẹ học sinh để kiểm soát hoạt động và hỗ trợ học sinh nộp, gửi bài trên các ứng dụng nền tảng trực tuyến, nhằm kiểm tra kết quả học tập của học sinh tốt hơn.

Tóm lại, việc dạy và học trực tuyến là một phương pháp cần thiết, quan trọng, ít nhiều có tính tiết kiệm, và có tính khả thi cao trong bối cảnh giáo dục hiện nay, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Thời gian đầu có thể thích nghi dần, như là một cách làm quen, cả phía cơ sở giáo dục, người dạy và người học. Nhưng để hoạt động này thực sự có chất lượng, hiệu quả, cần có sự phối kết hợp và chú trọng quan tâm, tạo mọi điều kiện tối ưu nhất của nhà trường, gia đình và cả cộng đồng. Tất cả vì mục tiêu bảo đảm an toàn sức khỏe, đảm bảo chương trình, chất lượng và tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ giáo dục trong năm học./.


Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết