A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH CÚM MÙA

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.

           Cúm là bệnh gì?

          Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm (Influenza virus). Theo thống kê của WHO, thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em nhiễm cúm mỗi năm. Trong đó, khoảng nửa triệu ca tử vong do các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 1 – 1,8 triệu người mắc cúm mùa.

         Bệnh cúm có thể tự khỏi nhưng cũng có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng ở người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, thiếu máu, bệnh chuyển hóa hoặc người có suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai… Bệnh có thể gây ra các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

        Các chủng virus cúm hiện nay

        Có 4 chủng virus cúm được ký hiệu là A, B, C, D. Trong đó chủng cúm A và B thường gặp ở người, cúm C gây bệnh nhẹ và thường không có triệu chứng, trong khi đó cúm D ảnh hưởng đến gia súc và không gây bệnh ở người.

        Cúm A

        Cúm A là dạng cúm mùa phổ biến nhất, chiếm khoảng 75% số ca nhiễm cúm ở người. Virus cúm A được phân loại thành nhiều phân tuýp dựa theo sự kết hợp giữa kháng nguyên ngưng kết hồng cầu Hemagglutinin (H) và Neuraminidase (N) là các protein chính trên bề mặt của virus. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, cúm A có thể bùng phát thành những đợt dịch lớn nhỏ khác nhau. Các đại dịch cúm toàn cầu được ghi nhận trong lịch sử thế giới cũng do các chủng của virus cúm A gây nên như dịch cúm A (H5N1), dịch cúm A (H3N2), đại dịch cúm A (H1N1).

          Cúm B

        Cúm B không được chia thành các phân týp, tuy nhiên nó có thể được chia làm 2 dòng là dòng B/Yamagata và dòng B/Victoria. Chủng cúm B cũng là một dạng cúm dễ gây bệnh ở người với tỷ lệ 25% số ca nhiễm cúm mùa hàng năm. Cúm B chỉ lây truyền từ người sang người, bệnh cúm B có khả năng lây lan rất mạnh, có thể gây thành dịch nhưng ít có nguy cơ trở thành đại dịch. Dù vậy, bệnh vẫn có thể có tác động nguy hiểm đến sức khỏe trong trường hợp diễn tiến nghiêm trọng.

          Cúm C

         So với 2 chủng cúm A và B, chủng cúm C ít gặp hơn, ít nguy hiểm hơn và không có những triệu chứng lâm sàng điển hình. Bệnh do cúm C không có khả năng bùng phát thành dịch ở người.

         Cúm D

       Chủng cúm D chủ yếu gây bệnh trên gia súc, chưa được xác định gây bệnh ở người. Virus cúm D có thành phần cấu tạo và đặc điểm phân bào tương tự như chủng virus cúm C.

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

        Các dấu hiệu, triệu chứng cúm thường gặp

        Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường xuất hiện sau 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh. Có rất nhiều người nhầm lẫn giữa bệnh cúm và cảm lạnh do triệu chứng cúm và cảm lạnh tương đồng với nhau. Ngoài các dấu hiệu nhận biết bệnh cúm là đau họng, sổ mũi và hắt hơi (giống với cảm lạnh) thì bệnh cúm còn có các dấu hiệu cảnh báo như sau:

  • Sốt vừa đến cao (trên 38oC);
  • Cảm giác ớn lạnh;
  • Đau đầu, chóng mặt;
  • Đau nhức cơ bắp;
  • Mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực;
  • Buồn nôn, tiêu chảy (thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn).

         Thời gian ủ bệnh cúm thường kéo dài trong khoảng 2 ngày. Sau khoảng 5 ngày, triệu chứng sốt và các triệu chứng khác sẽ biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.

         Thông thường bệnh cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

          Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A). Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Hiện nay chưa có vắc xin đặc hiệu phòng chống cúm A(H5N1), (H7N9), chính vì vậy, khi có triệu chứng ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi,… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

                                                                                        (Ban công tác Y tế  - Trường Tiểu học Dị Sử)


Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết