A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO HỌC ĐƯỜNG – HỌC MÀ CHƠI, CHƠI MÀ HỌC

 

          Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục trong đó từng học sinh được trực tiếp hoạt động thực tiễn trong nhà trường hoặc trong xã hội dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, qua đó phát triển tình cảm, đạo đức, các kỹ năng và tích luỹ kinh nghiệm riêng của cá nhân.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo mang tính tích hợp cao giúp rèn luyện, hình thành ở học sinh các năng lực, phẩm chất cần thiết cũng như bồi dưỡng khả năng sáng tạo góp phần hình thành 5 phẩm chất chủ yếu là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; 3 năng lực chung là năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Hoạt động trải nghiệm (ở cấp Tiểu học) là hoạt động giáo dục bắt buộc thực hiện trong chương trình Giáo dục Phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng năm 2018. Điểm mới trong nội dung chương trình Hoạt động trải nghiệm là không dừng lại ở các chủ đề mang tính chính trị xã hội như trong chương trình hiện hành mà còn chú trọng vào các hoạt động phát triển cá nhân, lao động, đồng thời tạo cơ hội cho trẻ sử dụng những kiến thức đã học để giải thích thế giới xung quanh và khám phá các giá trị tri thức địa phương, tiếp cận các di sản văn hóa truyền thống một cách có định hướng.

Ngày 16/05/2022, phối kết hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh, Trường Tiểu học Dị Sử tổ chức Ngày hội “Trải nghiệm sáng tạo học đường” tại khuôn viên nhà trường.

Tham gia vào các hoạt động trải nghiệm không chỉ giúp học sinh có hứng thú hơn mà còn là cơ hội để các em rèn luyện, tích lũy thêm kỹ năng sống đồng thời phát triển năng lực, phẩm chất nhân cách và đặc biệt là phát huy tiềm năng sáng tạo của học sinh nhằm hình thành thói quen tự phục vụ, kỹ năng học tập, kỹ năng ứng phó các tình huống có thể xảy ra ở trường, ở nhà và ngoài cuộc sống.

          Trong chuỗi các họat động trải nghiệm, các em được tham dự hai phần nội dung bổ ích:  

Khởi động, sân khấu: Học sinh được tham gia khởi động bằng các vũ điệu sôi động trên nền nhạc của các vũ điệu như Chicken Dance, Dòng máu Lạc Hồng, …

          Phần sân khấu gồm 4 nội dung: Thi thời trang tự chọn; Thời trang theo dòng lịch sử; Thời trang lễ hội; Thi kiến thức và kĩ năng.

           Phần không thể thiếu trong ngày hội đó là Các hoạt động trải nghiệm tại điểm trạm, giao lưu các trò chơi.

Dưới sự tổ chức của các thầy cô giáo chủ nhiệm và các anh chị hướng dẫn viên hỗ trợ, các em học sinh đã được tham gia các hoạt động kĩ năng như: Bác sĩ gia đình, làm bánh chưng, bánh trôi, nặn tò he; tìm hiểu và tham gia tại các gian hàng chợ quê, bắt lươn, bắt chạch, tô tượng, …

Phần sôi động và hứng thứ nhất là các em được tham gia các trò chơi dân gian như đi cà kheo, nhảy dây, kéo co, bịt mắt đánh trúng bóng, bịt mắt bắt vịt, bắt thỏ, …. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt xen lẫn những ánh mắt lấp lánh, những nụ cười giòn tan, … tất cả đã nói lên sự thành công của hoạt động này.

 

 

Ngày hội đã diễn trong không khí ấp áp, thắp lên niềm vui, nụ cười trong ánh mắt của thầy và trò về một mái trường thân thiện, học sinh tích cực. Đây thực sự là dịp trải nghiệm thú vị, độc đáo, rèn luyện cho học sinh kiến thức, kỹ năng về giới tính, cách phòng tránh tai nạn thương tích, cách chế biến và thưởng thức những món ăn mang hương vị, sắc màu quê hương độc đáo, thể hiện nghệ thuật ẩm thực đặc trưng của vùng quê, góp phần gìn giữ nét đẹp về văn hoá ẩm thực vùng quê. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích nhằm phát triển nâng cao các tố chất, tiểm năng, sáng tạo của bản thân học sinh, nuôi dưỡng ý thức sống độc lập, biết quan tâm chia sẻ với người xung quanh. Thành công của ngày hội cũng tạo nên niềm tin của phụ huynh, của gia đình và xã hội đối với nhà trường.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG

 

 


Tác giả: Trường Tiểu học Dị Sử
Tổng số điểm của bài viết là: 29 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết